Có sự thay đổi lớn trong điều hành tỷ giá
Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, sự ổn định trên thị trường ngoại hối của Việt Nam trước những biến động lớn của thế giới là nhờ sự thay đổi lớn trong cách thức điều hành tỷ giá của NHNN.
Ông đánh giá thế nào về điều hành tỷ giá của NHNN thời gian gần đây?
Nhìn vào cách thức điều hành của NHNN trong thời gian qua có thể thấy, NHNN đã tận dụng rất tốt công cụ truyền thông. Những năm trước đây, chính sách của cơ quan điều hành thường chạy theo thị trường, trong khi trên thị trường có khá nhiều tin đồn gây nhiễu. Nhưng giờ đây, chính sách của NHNN thường đi trước với những thông điệp định hướng rõ ràng cụ thể, trấn an tâm lý nhà đầu tư, tạo niềm tin đối với thị trường; dẫn dắt, định hướng thị trường.
Đơn cử, thời điểm giữa năm 2018, ngay khi đồng nhân dân tệ có sự điều chỉnh, NHNN ngay lập tức đã điều chỉnh tỷ giá, đồng thời cung ứng ngoại tệ đảm bảo thanh khoản đã tạo niềm tin cho thị trường; chứ không cố neo giữ tỷ giá như trước đây, đến khi áp lực đẩy lên cao quá mới thực hiện điều chỉnh mạnh tỷ giá.
Điểm tích cực nữa là thanh khoản thị trường ngoại tệ luôn được đảm bảo. Tôi nghĩ đây là yếu tố rất quan trọng. Nhớ lại những năm trước đây, có thời điểm mặc dù có tỷ giá trần, song DN không thể mua USD được. Nhưng bây giờ hiện tượng này hoàn toàn loại bỏ, tỷ giá nằm trong biên độ trần – sàn bởi thanh khoản thị trường tốt.
Từ nay đến cuối năm có những áp lực nào lên tỷ giá không thưa ông?
Xét trong bối cảnh quốc tế có hai yếu tố cần lưu ý tới. Thứ nhất là sự biến động của đồng nhân dân tệ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nên khi đồng nhân dân tệ biến động chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến VND. Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ là vũ khí trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vì vai trò của Trung Quốc khác so với cách đây 10 năm, giờ họ đang là một trong những đầu tàu kinh tế thế giới nên sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Lo ngại nữa là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chắc sẽ chưa dừng lại. Bởi đây là cuộc chiến phân định lại quyền lực giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong bối cảnh cả hai nước Mỹ, Trung Quốc đều là đối tác lớn của Việt Nam, nếu có xảy ra tranh chấp chắc chắn tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Khi xảy ra bất ổn, thông thường các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chờ hoặc hoãn kế hoạch đầu tư. Đối với Việt Nam, dòng vốn FDI có vai trò rất quan trọng, nên nếu FDI bị ngưng trệ sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn lại bối cảnh Việt Nam vẫn có lợi thế riêng. Chính sách điều hành tỷ giá của NHNN ngày càng linh hoạt, chủ động. Dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả gián tiếp và trực tiếp, vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Riêng dòng vốn FDI, có thể sắp tới sẽ đón làn sóng mới từ các DN nằm trong chuỗi cung ứng của DN nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, các DN này đang có nhu cầu chuyển dịch cơ sở sản xuất qua Việt Nam vì họ thấy khi sản xuất tại cùng địa điểm hiệu quả hơn nhiều là dựa vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Xu hướng này vẫn tiếp tục tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam thu hút vốn FDI. Dòng vốn gián tiếp cũng có thể gia tăng trong thời gian tới qua các thương vụ cổ phần hóa của các DN lớn tại Việt Nam.
Thực tế chứng minh trong những năm vừa qua, dù tỷ giá của nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực biến động mạnh nhưng đồng VND vẫn duy trì ổn định. Thậm chí là đồng nội tệ có tính ổn định nhất trong khu vực. Tôi tin rằng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối thuận lợi, thu hút FDI tốt như hiện tại, đây vẫn là cơ hội duy trì ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, theo tôi, với môi trường thuận lợi như hiện nay, Việt Nam nên đẩy nhanh những cải cách nền kinh tế, cải cách hành chính để DN, nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư thuận lợi để khi có biến động xảy ra họ vẫn chủ động ứng phó, tin tưởng đầu tư. Đây là cơ hội không kéo dài nên Việt Nam tận dụng cơ hội này để cải cách.
Theo ông, tỷ giá trong năm 2019 dao động ở mức nào?
Chính phủ, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nên mức độ điều chỉnh tỷ giá sẽ nằm trong biên độ mà NHNN đã đề ra và đảm bảo không tạo nên biến động lớn trên thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng