Khi nhân viên giỏi xin nghỉ việc: Nên giữ chân lại hay xử lý ra sao?
Cùng suy ngẫm về câu chuyện có thực của Dacia J. Faison Roe, khi một nhân viên giỏi tên Chad xin nghỉ việc
Chad là một nhân viên dưới quyền khi chúng tôi làm việc cùng nhau tại một công ty cũ. Khi tôi đảm nhận một vị trí dẫn dắt một đội nhóm cần khơi dậy và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, tôi biết Chad sẽ là người tài giỏi để dễ dàng hoá việc đó.
Anh ấy tài giỏi giống như một con kỳ lân, có sự pha trộn hoàn hảo giữa designer sáng tạo, developer chuyên nghiệp, người giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, cây hài trong nhóm và là một người mà tôi có thể dựa vào để nói lên lý lẽ cá nhân của mình.
Trong 18 tháng tiếp theo, đội nhóm của chúng tôi đã làm việc cùng nhau vô cùng ăn ý. Nhưng sau đó, Chad đến gặp tôi với một tin tức đe dọa sẽ đảo lộn mọi thứ mà chúng tôi đạt được: anh ấy nhận được lời mời làm việc của một công ty khác.
Tôi có cảm giác như có một thứ gì đó đang sụp đổ. Chad là nhà lập trình viên duy nhất mà tôi có, và chúng tôi đang phải gấp rút xây dựng sản phẩm cho kịp deadline. Một người bên ngoài nhảy vào giữa chừng sẽ không thể làm nốt được: tôi chắc chắn dự án sẽ bị hoãn lại nếu không có Chad.
Nhưng Chad chắc hẳn đã tin tưởng tôi rất nhiều khi nói với tôi về ý định đó trước khi chính thức nghỉ việc. Bởi vậy, tôi thấy tôi cần phải đặt mình vào vị trí của Chad để xem xét nhu cầu của anh ấy.
Ngay khi tôi thử làm điều đó, tôi nhận ra rằng hành động nghỉ việc của anh ấy thực sự có ý nghĩa. Trong khi chúng tôi mới chỉ cùng nhau làm việc chung rất bình tĩnh, một người giỏi như Chad cần có môi trường thách thức và kỷ luật hơn để phát triển hết khả năng. Ngay từ đầu, rõ ràng công ty chúng tôi đã không thể cho Chad những thứ anh ấy cần, cả việc đàm phán chức danh và mức lương cũng là Chad miễn cưỡng chấp nhận.
Tôi đã chia sẻ chuyện này với nhóm của mình và trao đổi với các thành viên về cách họ sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của Chad. Tôi cũng nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ xây dựng lại những định hướng mới, trong đó các cá nhân sẽ được trải nghiệm và tối ưu lại trách nhiệm của mình.
Kết quả, một vài thành viên trong nhóm đảm nhận vị trí công việc mới. Chúng tôi cũng tuyển dụng thêm cho đội nhóm các thành viên mới. Và như vậy, một chiến lược hoàn hảo được bắt đầu, chứ không phải chỉ là thay thế Chad và duy trì mọi thứ như cũ.
Và Chad của hiện tại như thế nào? Anh ấy có một công việc mới, tưởng tượng ra một tương lai mới cho chính mình. Và tôi vẫn thường xuyên liên lạc với anh ấy, để lắng nghe những lời khuyên và chia sẻ kinh nghiệm từ một nhân viên giỏi thực sự.
Vậy cụ thể, các bước xử lý khéo léo nhất khi nhân viên giỏi xin nghỉ việc là gì?
1. Đầu tiên, bạn nên có các cuộc trò chuyện thành thật với nhân viên
Hãy cùng nhau thành thật chia sẻ về nơi nhân viên giỏi của bạn đã chọn để tìm kiếm cơ hội mới, tập trung vào những gì nhân viên đó muốn và những gì bạn thực sự có thể kiểm soát.
Đôi khi lý do là cần một mức lương cao hơn hoặc thay đổi chức danh công việc; nên nếu bạn đáp ứng điều đó, nhân viên chắc hẳn sẽ ở lại.
Nhưng nếu động lực nghỉ việc đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, việc bạn dùng lợi ích tài chính nhằm giữ người chỉ là giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề lớn mà thôi. Sớm hay muộn bạn cũng cần bỏ tiền ra để thu hút nhân tài, tuyển dụng và onboarding lại từ đầu cho người thay thế.
Chưa kể rằng nếu nhân viên của bạn ở lại cùng mối bận tâm chưa được giải toả, tinh thần làm việc kém của họ sẽ ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh.
Trong trường hợp này, tốt nhất là đáp ứng cho nguyện vọng nghỉ việc.
2. Thứ hai, hãy tận dụng những cơ hội mà trước nay bạn chưa hề khai phá
Có thể bạn chưa bao giờ nghĩ rằng nên nhân “cơ hội” có một nhân viên rời đi để cải cách cho toàn bộ đội nhóm. Nhưng trên thực tế, sự ra đi của nhân viên giỏi này đã tạo ra một không gian đủ rộng cho các thành viên khác trong nhóm thể hiện bản thân hơn và đóng góp nhiều quan điểm mới mẻ.
Đây cũng là một thời điểm phù hợp để bạn nhìn nhận kỹ hơn về những cá nhân tiềm năng khác, hoặc thậm chí là thúc đẩy họ hết sức bằng một định hướng nghề nghiệp mới phù hợp hơn.
3. Tiếp theo, hãy củng cố sức mạnh tinh thần cho đội nhóm của bạn
Chắc chắn rồi, nhân viên của bạn ít nhiều đều phát sinh suy nghĩ khi có đồng nghiệp giỏi bỗng dưng nghỉ việc.
Để trấn an tinh thần họ, bạn cần thiết phải thể hiện sự phấn khích trên chính bản thân mình, luôn khẳng định rằng đây là không phải sự sụp đổ hay diệt vong nào cả.
Trước hết, hãy thẳng thắn công nhận sự thay đổi về mặt cảm xúc và công việc thực tế của đội nhóm khi nhân viên giỏi kia nghỉ việc. Liền sau đó, hãy vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp về các cơ hội khác đã nói ở trên. Nhiệt tình trả lời các câu hỏi (về lý do nghỉ việc, quá trình thuyết phục nhân viên đó ở lại,...) cũng là cách hiệu quả để tránh những suy diễn tiêu cực.
4. Cuối cùng, bạn cần khiến nhân viên cảm thấy họ có giá trị ngang bằng so với mọi người khác
Theo một nghiên cứu năm 2015 của Gallup, các nhân viên càng cảm nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ nhà quản lý, kết quả kinh doanh như năng suất, cải tiến và lợi nhuận mang lại của họ càng cao hơn.
Đó là lý do vì sao bạn luôn có thể đào tạo nội bộ (on-the-job training) nên những nhân viên giỏi mới trong đội nhóm, đồng thời khiến những người khác gắn bó hơn với công ty. Những suy nghĩ nghỉ việc sẽ được giảm thiểu khi nhân viên được bạn công nhận một giá trị nhất định.